ĐỪNG SO SÁNH NHƯ VẬY
Để ủng hộ hay phản đối giá điện sinh hoạt, có hai luồng so sánh như sau:
1. “Giá điện Việt Nam còn thấp hơn giá điện các nước G7”.
2. “Nói giá điện Việt Nam rẻ, hãy so sánh thu nhập đi”, “Tiền điện trên thu nhập của Việt Nam cao nhất thế giới đấy”.
Theo logic của những người so sánh giá điện Việt Nam vẫn thấp hơn G7 thì họ sẽ trả lời sao khi mà lương, thu nhập của những người kỹ sư, công nhân trực tiếp, gián tiếp làm ra, truyền tải, phân phối điện bằng bao nhiêu so với đồng nghiệp ở các nước G7. Nên nhớ rằng thu nhập của kỹ sư, công nhân ngành điện là một phần trong giá thành của kWh điện mà EVN đang bán đấy. Rồi họ sẽ trả lời ra sao về khoản vốn hơn 200.000 tỷ mà cổ đông (là nhà nước) không yêu cầu chia lãi một xu; Nếu là tư nhân thì các cổ đông sẽ đòi ít nhất họ phải được chia tối thiểu 16.000 tỷ một năm (bằng lãi suất ngân hàng 8% năm) chứ.
Theo logic của những người so sánh giá điện với GDP đầu người, họ cho rằng thu nhập thấp thì giá điện phải thấp. Thế thì chúng ta sẽ lập hội yêu cầu Apple, Samsung, Oppo, Sony, LG, Hitachi, National, Asanzo… phải bán điện thoại smart phone, smart tivi, tủ lạnh, điều hoà, máy giặt giá thấp thôi, vì thu nhập của người Việt Nam thấp lắm. Rồi chúng ta sẽ lập hội yêu cầu Toyota, Honda, Suzuki, Mazda, Huyndai, Kia, BMW, Mecerdes, Audi, Ford, Piaggio, Vinfast… bán ô tô, xe máy giá rẻ thôi vì thu nhập của người Việt Nam thấp lắm. Rồi còn hội Bất Động Sản, hội Vàng – Kim cương – Đá quí, hội Mỹ phẩm, hội Thời trang nữa chứ.
Hình như trong các giáo trình về kinh tế đều có bài hay môn học về GIÁ CẢ. Những ai đã học hoặc đọc qua về môn này đều biết rằng GIÁ CẢ của một mặt hàng chẳng bao giờ liên quan đến thu nhập của cá nhân hay mức sống của một quốc gia cả (GDP đầu người của quốc gia), mà liên quan đến giá trị của hàng hoá, giá trị của tiền tệ và nhu cầu của thị trường mà thôi (cung cầu).
Nếu đi sâu vào giá trị của mặt hàng điện thì giá thành làm ra điện có một phần liên quan đến GDP đầu người, tức khoản chi phí lương, thưởng của người lao động trong ngành điện. Nhưng vấn đề là chi phí này chiếm tỷ trọng bao nhiêu? Theo báo cáo của EVN thì chi phí này chiếm dưới 6,61% (16.524 tỷ trên tổng 250.195 tỷ, 2016). Có nghĩa rằng giá bán điện của Việt Nam phụ thuộc rất ít vào chi phí liên quan đến con người, liên quan đến mức sống của Việt Nam, phần lớn phụ thuộc vào trang thiết bị, máy móc, công nghệ, nguyên liệu, nhiên liệu sản xuất điện.
Hình như trong những người so sánh trên có rất nhiều người học ngành kinh tế, rất nhiều người là dân kinh doanh, thế mà khi tranh luận họ lại quên mất khái niệm sơ đẳng nhất về giá cả, họ bị cảm xúc lấn át hết lý trí.