Công an huyện Thiệu Hóa
Thông tin Chính phủ cho phép cá nhân bắn pháo hoa từ 11/01/2021 làm nhiều người “phấn khởi”. Nghị định 137 có nhiều điểm mới so với Nghị định số 36/2009. Trong đó, Nghị định 137 cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Ngoài ra, trong nghị định này cũng quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức bắn pháo hoa nổ. Đồng thời, bổ sung nhiều hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng pháo. Trong đó, đã quy định cụ thể hơn với 9 hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng pháo, so với 4 hành vi chung chung như trước đây.
Nhiều người dân khi tiếp cận thông tin liên quan Nghị định 137 tỏ ra ủng hộ vì cho rằng đây là nhu cầu thiết thực, nhưng cũng có ý kiến bày tỏ lo ngại về nguy cơ mất an toàn cháy nổ, ô nhiễm, mất an ninh, trật tự. Một bộ phận người dân cũng đang hiểu nhầm việc cho phép đốt pháo hoa đồng nghĩa với việc được đốt tất cả các loại pháo hoa. Việc hiểu không kỹ, hiểu sai bản chất của Nghị định 137 sẽ vô tình khiến nhiều người có thể vi phạm pháp luật, dẫn tới bị xử lý hình sự, nhất là vào thời điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu đang cận kề nhu cầu sử dụng pháo hoa tăng cao.
Cá nhân bị cấm tuyệt đối các loại pháo gây ra tiếng nổ
Khoản 1 Điều 3 Nghị định 137/2020 định nghĩa: Pháo là sản phẩm có chứa thuốc pháo , khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra phản ứng hóa học nhanh, mạnh, sinh khí, tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, gây ra tiếng nổ hoặc không gây ra tiếng nổ.
Pháo bao gồm: Pháo nổ, pháo hoa.
Tại Điều 5 Nghị định 137/2020 về các hành vi bị nghiêm cấm có quy định như sau:
1. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này.
Trong đó, pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian .
Như vậy, tiếp thu những quy định từ Nghị định 36/2009, Chính phủ vẫn thống nhất nghiêm cấm các loại pháo gây ra tiếng nổ. Tuy nhiên, Nghị định 137 đã cho phép người dân đốt một số loại pháo hoa nhất định.
Các loại pháo hoa không gây tiếng nổ được đốt Tết 2021
Nghị định 137 cho phép từ ngày 11/01/2021, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Như vậy, Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, người dân từ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự được phép đốt pháo hoa.
Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ (chỉ tạo ra tiếng xì xẹt).
Như vậy, các loại pháo hoa được phép đốt mà người dân thường gặp gồm: Pháo bông (pháo que); Pháo phụt sinh nhật; Pháo điện
Ngoài ra, dù không chứa thuốc pháo nhưng những sản phẩm sau vẫn được gọi người dân gọi là pháo và được phép sử dụng: Pháo hoa lễ hội bằng giấy; pháo trang trí bằng giấy, bằng nhựa, tre, trúc, kim loại; các sản phẩm tín hiệu ánh sáng, màu sắc, âm thanh…
Thực chất các loại pháo hoa không nổ nêu trên đã được sử dụng công khai nhiều năm qua; trước đây, quy định chưa thật sự rõ ràng, cụ thể nên việc áp dụng pháp luật vẫn “mập mờ” và cơ quan chức năng không có cơ sở để xử phạt.
Khi đốt pháo không nổ, người dân phải mua pháo hoa ở các doanh nghiệp quân đội được cấp phép. Việc mua pháo hoa không nổ ở các hiệu tạp hóa, cửa hàng trang trí như hiện nay là không đúng luật.
Nghị định số 137 có hiệu lực khi Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang cận kề, đây cũng là thời điểm các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để tàng trữ, vận chuyển, sử dụng pháo nổ trái phép. Hiện nay, Công an huyện Thiệu Hóa đã và đang tiếp tục triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng vật liệu nổ, pháo nổ trái phép. Để Nghị định số 137 được thực hiện hiệu quả, đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 137 về quản lý, sử dụng pháo; có giải pháp siết chặt thị trường, kiên quyết xử lý các cá nhân, tổ chức không được cấp phép kinh doanh nhưng cố tình vi phạm, tránh lợi dụng việc cho phép sử dụng pháo hoa để buôn bán các loại pháo nổ khác, kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm pháo hoa bán ra thị trường, bảo đảm đến tay người tiêu dùng là pháo hoa rõ nguồn gốc xuất xứ, an toàn khi sử dụng. Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân và người dân cũng cần chủ động tìm hiểu nhận thức rõ thế nào là pháo hoa có tiếng nổ và không có tiếng nổ, loại pháo hoa được sử dụng và loại pháo hoa bị cấm; bảo đảm an toàn cháy, nổ khi sử dụng loại pháo hoa được cho phép… tránh tình trạng vi phạm đáng tiếc.
Nếu phát hiện các thông tin liên quan tới vi phạm trong việc àng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo nỗ, người dân hãy thông tin về Công an huyện Thiệu Hóa qua số điện thoại 02373.842.094