———-
<Thanh Huyền>
Sổ hộ khẩu là một hình thức quản lý dân cư được nhiều quốc gia trên thế giới thừa nhận và hiện vẫn còn đang được áp dụng ở nhiều nước như: Nhật Bản (hệ thống koseki), Pháp (hệ thống livret de famille), Đức (hệ thống familenbuch), Trung Quốc (hệ thống hokou) và một số nước khác như Đài Loan, Triều Tiên,… Hàn Quốc cũng sử dụng sổ hộ khẩu (hoju) nhưng bãi bỏ từ năm 2008 do những quan ngại liên quan đến định kiến về giới do chủ hộ thường là đàn ông.
Tại Việt Nam, hộ khẩu đã gắn liền với gia đình và cuộc sống của người dân suốt gần 70 năm qua. Hộ khẩu là một dạng giấy tờ pháp lý có ý nghĩa chứng minh quan hệ gia đình và nơi cư trú của các thành viên. Sổ hộ khẩu cũng gắn liền với các dịch vụ quan trọng khác trong đời sống như: khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, đăng ký học cho con, đất đai, nhà ở, và việc xác định các vấn đề dân sự như thừa kế, nghĩa vụ chăm sóc nuôi dưỡng,… Cũng bởi vậy, các thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu cũng rất phức tạp, quan trọng; người dân cũng đã phải dành khá nhiều thời gian, công sức mỗi khi thực hiện các thủ tục liên quan đế sổ hộ khẩu. Do đó, bỏ sổ hộ khẩu, chuyển sang hình thức quản lý công dân và cư trú sang mã số định danh cá nhân nhưng vẫn đảm bảo các quyền và nghĩa vụ hợp pháp của người dân là một chủ trương đúng, thể hiện quyết tâm rất lớn của Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Nói thì là như vậy, nhưng thời gian qua, nhiều anh chị dân chủ vẫn cứ lợi dụng việc này để xuyên tạc, phủ nhận nỗ lực của các cơ quan chức năng Việt Nam, chụp mũ, quy chụp cả nỗ lực cải cách thủ tục hành chính trong thời gian qua.
Cải cách hành chính liên quan đến quy định của nhiều văn bản pháp luật, không thể nói bỏ là bỏ ngay được. Theo rà soát của Bộ Công an, có tới 27 thủ tục hành chính được quy định trong các văn bản pháp luật yêu cầu phải có sổ hộ khẩu, liên quan đến 22 Nghị định và 54 thông tư. Việc chuyển đổi đòi hỏi cần có thời gian, không làm xáo trộn xã hội và ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Việc làm này nhanh hay chậm một phần rất lớn phụ thuộc vào sự phối hợp, tham gia khai báo, cung cấp thông tin của mỗi người dân. Do đó, thay vì kêu ca, than phiền, sao chúng ta không cùng chung tay để đồng hành cùng các cơ quan chức năng; qua đó cũng góp phần giảm đi sự phiền hà cho chính bản thân mình và gia đình liên quan đến các thủ tục này về sau.