Cận kề Đại hội XIII của Đảng, nhất là khi Hội nghị Trung ương 15 kết thúc nhanh hơn dự kiến, câu chuyện về nhân sự cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam tưởng là “bình yên” hơn trên mạng xã hội, song hóa ra lại không phải!
1. Trước đó, Phan Thế Hải, Đỗ Ngà, Trần Nguyên Thao… đã xuyên tạc sự thật về Đảng cộng sản Việt Nam, công tác cán bộ, nhất là công tác nhân sự của Đại hội XIII bằng các bài viết trên mạng xã hội. Giờ có thêm Lê Văn Đoành với bài viết “Chấm dứt đại diện Nam Bộ trong “tứ trụ” khoá XIII“/Tiếng Dân ngày 15/1/2021; Nguyễn Tráng với bài viết “Dũng – Sang đánh nhau, Phú Trọng đắc lợi”/Tiếng Dân ngày 16/1/2021 và Võ Văn Quân với bài viết “Chính trị vùng miền Việt Nam: Lời nguyền địa chính trị“/ Tiếng Dân ngày 18/1/2021…
Trong các bài viết đó, họ không chỉ phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, những cống hiến và những thành tựu nhân dân Việt Nam giành được dưới sự lãnh đạo của Đảng hơn 9 thập niên qua mà còn phê phán nguyên tắc tập trung dân chủ, cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện tắc tập trung dân chủ chính là “độc tài”, “toàn trị”… Cho nên, công tác nhân sự chẳng qua chỉ là sự tranh giành giữa các phe phái, giữa các lực lượng vùng miền. Nực cười là, Đỗ Ngà thì cho rằng nhân sự “tứ trụ” của Đại hội XIII sẽ là phe nào có chủ soái thì phe đó thắng và đó là “ngày hội của bầy sói”. Còn Phan Thế Hải thì cho rằng công tác nhân sự chỉ là “dàn xếp trong bóng tối” giữa các thế lực và khi đó, “Đảng đang chống lại chính mình”. Thậm chí, Võ Văn Quân còn cho rằng, việc miền Nam không có đại diện trong “tứ trụ” đó chính là bởi “lời nguyền địa chính trị”…
Từ xa “kính nhi viễn chi”, chả hiểu đúng, đủ và chuẩn về một trong những nội dung quan trọng của Đại hội XIII, song các “tác gia” này vẫn viết như đúng rồi bằng chủ kiến cá nhân về công tác nhân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam.
2. Thật ra, công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng là một nhiệm vụ cực kỳ hệ trọng, đã được Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức sâu sắc, dày công chuẩn bị theo một quy trình chặt chẽ và tiến độ phù hợp. Trên tinh thần trách nhiệm cao, khách quan, công tâm và gương mẫu chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, quy chế, quy định, Điều lệ của Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi đồng chí lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu từ Trung ương đến địa phương, từ Ban Chấp hành Trung ương đến Bộ Chính trị… đều đã đặt sự nghiệp chung của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết; đã phát huy cao độ tinh thần, trách nhiệm của mình và kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm… để chuẩn bị nhân sự Đại hội thật cẩn trọng và dân chủ.
Tại Hội nghị Trung ương 15, Ban Chấp hành Trung ương đã tiếp tục hoàn thiện công tác nhân sự tham gia Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và chuẩn bị nhân sự lãnh đạo chủ chốt. Từ đó, đã biểu quyết thông qua danh sách nhân sự đề cử bổ sung lần đầu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII, bổ sung một số nhân sự Uỷ viên Trung ương khoá XII, nhân sự Bộ Chính trị khoá XII thuộc trường hợp “đặc biệt” tái cử khoá XIII. Kết quả đó đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Hội nghị Trung ương 15 đã thành công rất tốt đẹp. Công việc chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng đã cơ bản hoàn tất theo đúng mục đích, yêu cầu và kế hoạch đề ra; được tiến hành hết sức chặt chẽ, dân chủ, công tâm, khách quan, bài bản và tạo được sự thống nhất rất cao.
3. Dù toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đón nhận kết quả Hội nghị Trung ương 15 trong niềm hân hoan, trong sự tin tưởng và kỳ vọng cao về thành công Đại hội XIII của Đảng sắp tới nói chung, công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội nói riêng, song với những người như Lê Văn Đoành, Nguyễn Tráng, Võ Văn Quân và một số người khác thì lại không như vậy.
Với thông tin từ ngoài lề, họ cho rằng, trong danh sách các vị trí “tứ trụ” không có đại điện của miền Nam, bởi “cuộc đấu giữa hai nhân vật gốc miền Nam là cơ hội tuyệt vời để Nguyễn Phú Trọng ngư ông đắc lợi, tập trung xây dựng quyền lực cho phe mình” và “suốt 5 năm qua, chính trường Việt Nam trở thành sân chơi của riêng Nguyễn Phú Trọng. Ông ta có quyền lực như vua chúa, múa gậy vườn hoang, tuỳ ý sắp xếp nhân sự. Muốn bắt hoặc kỷ luật ai, thanh trừng phe phái nào cũng được, chỉ cần nhân danh chống tham nhũng”.
Họ còn kích động tâm lý bất mãn trong nhân dân khi cho rằng “miền Nam nói nói chung và Nam Bộ nói riêng đã bị “dìm hàng” hay quả thật không có nhân tài, không tìm ra gương mặt sáng giá? Câu hỏi xin dành cho các đại ca tầm cỡ như anh Ba, anh Tư để tìm câu trả lời”. Vì thế, “sau 35 năm, tính từ đại hội VI năm 1986, trong khóa tới, Nam Bộ chính thức không có đại diện trong “tứ trụ”…”
Gieo rắc sự hồ nghi, kích động tâm lý cơ cấu vùng miền trong công tác nhân sự của Đảng là một trong những thủ đoạn thâm độc, nhằm chia rẽ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các đối tượng trên. Thật ra, mỗi người trong họ cũng đều hiểu rất rõ rằng, để có một đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất non sông liền một dải như ngày nay, nhân dân Việt Nam đã phải đi qua bao năm dài chiến tranh gian khó. Vì miền Nam ruột thịt, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng bào miền Bắc đã hết lòng, nỗ lực, hy sinh, phấn đấu vì miền Nam; tập trung tinh thần và lực lượng để chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, để miền Nam đánh thắng kẻ thù xâm lược, được hoàn toàn giải phóng, cả nước thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội…
Bao năm trôi qua, những câu truyện truyền kỳ về cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, những cảnh ngày Bắc đêm Nam với nỗi đau chia cắt đất nước khôn nguôi không chỉ là một quá khứ vừa bi thương vừa oanh liệt, hào hùng của dân tộc mà còn khắc sâu trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam yêu nước về hành trình đấu tranh cho một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất. Vậy thì can cớ gì, giờ lại nêu ra “kẻ Bắc, người Nam” – ai có, ai không có chân trong “tứ trụ” của đất nước…
Đó không phải là yêu nước chân chính mà đó là tiếng nói của những người bị tâm lý chia cắt, ám ảnh bởi tính vùng miền chi phối. Cho nên, không nhìn vào toàn cục, vào những kết quả đạt được trong công tác nhân sự, họ khoét sâu vào sự chia cắt đó và khoét sâu vào lý do không có đại diện trong lãnh đạo cấp cao đó để cho rằng miền Nam bị thua thiệt, miền Nam chỉ là “bù nhìn”…
Thực tế, kết quả của Hội nghị Trung ương 15, trong đó có công tác nhân sự là tâm huyết, trí tuệ của Đảng. Kết quả đó không phải là do “hàng chục năm qua Sang – Dũng mải mê đấu đá lẫn nhau, để rồi thế lực tiêu hao, và Nguyễn Phú Trọng là người hưởng lợi nhiều nhất” mà tựu trung lại thì vẫn là người có tài, có đức, được giới thiệu và tín nhiệm sẽ đảm nhận trọng trách mà Tổ quốc và nhân dân giao phó. Chất lượng của công tác nhân sự thông qua biểu quyết ở Hội nghị Trung ương 15 là minh chứng sinh động về yêu cầu đức và tài trong công tác cán bộ.
Vì thế, quan điểm vùng miền, tính cơ cấu, suy nghĩ lệch lạc rằng “miền Nam mạnh về kinh tế, đóng góp phần lớn cho ngân sách quốc gia. Tuy nhiên lại không có tiếng nói về mặt chính trị, và vì vậy nơi này giống như một thuộc địa kiểu mới cho các quan chức phía Bắc bóc lột, vắt kiệt sức” trong công tác cán bộ nói chung, công tác nhân sự cho Đại hội XIII nói riêng là bịa đặt, xuyên tạc, phản động, cần được mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong nước và kiều bào ở nước ngoài nhận diện đúng, hiểu đúng để hành động đúng, góp phần để Đại hội XIII của Đảng sắp tới thành công tốt đẹp!.
ST