Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết dựa trên chương trình đã giảm tải, bộ sẽ xây dựng và sẽ công bố đề thi tham khảo của kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 trong những ngày tới.

Chiều 31-3, Bộ GD-ĐT đã có công văn hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019-2020.

Tự học với sự hỗ trợ của phụ huynh

Hướng giảm tải ở bậc tiểu học là ưu tiên thời gian tối đa tổ chức dạy học các môn học bắt buộc theo chương trình và có phương án tổ chức dạy các môn tự chọn phù hợp. Theo đó, có thể không dạy bài tự chọn, hoặc dạy bài tự chọn nhưng có rà soát, tinh giản, tổ chức thành bài đọc thêm có hướng dẫn.

Các môn mỹ thuật, âm nhạc, thể dục, thủ công ở bậc tiểu học, ngoài việc lược bớt và ghép các bài theo chủ đề để giảm số tiết, nhiều nội dung được chuyển sang “học sinh tự học, tự tập, tự thực hành ở nhà” với sự hướng dẫn của giáo viên và hỗ trợ của phụ huynh.

Bậc tiểu học cũng có một số môn học khác tinh giản theo hướng chuyển nhiều bài học sang “khuyến khích học sinh tự học có hướng dẫn” và khuyến khích sự hỗ trợ của cha mẹ học sinh. Ví dụ như toàn bộ nội dung môn đạo đức. 

Theo các thành viên của tiểu ban tinh giản chương trình tiểu học thì nội dung môn đạo đức đều gắn với tình huống thực tiễn trong cuộc sống, gần gũi với học sinh nên thuận lợi cho cha mẹ hướng dẫn con.

Phần “khuyến khích tự học” có hỗ trợ của phụ huynh còn ở một số bài của môn tự nhiên và xã hội, khoa học có tính chất thực hành, gắn với tình huống cuộc sống. Hoặc hầu hết các bài luyện đọc, luyện nói của môn tiếng Việt đều chuyển sang để học sinh tự đọc ở nhà. Những bài luyện tập, ôn tập chung ở tiểu học đều được lược bỏ không dạy.

 PGS.TS Nguyễn Xuân Thành – vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT – cho biết nội dung tinh giản ở mỗi môn học, cấp học khác nhau. Nhưng nguyên tắc chung là giảm các nội dung nâng cao, chỉ giữ phần cốt lõi của mỗi môn học, đảm bảo yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng. 

 

Ngoài ra, các tiểu ban tùy theo đặc thù từng môn học, thiết kế các bài học ghép từ nhiều bài riêng lẻ, tích hợp kiến thức của nhiều bài trong một chủ đề để tiết kiệm thời gian.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, việc kiểm tra, đánh giá đối với học sinh sẽ không nằm trong nội dung chương trình được tinh giản, cụ thể là sẽ không thi các phần được ghi “không dạy”, “không thực hiện”, “không làm”, phần “khuyến khích học sinh tự học, tự đọc, tự làm ở nhà”.

Đề thi THPT quốc gia không có nội dung giảm tải

Theo khẳng định của Bộ GD-ĐT, học sinh cuối cấp có thể yên tâm lướt qua các phần được giảm tải để tập trung vào phần kiến thức được xem là trọng yếu. Ví dụ như ở môn ngữ văn – là một trong các môn thi bắt buộc của kỳ thi THPT quốc gia – có nhiều tác phẩm văn học được đưa vào phần “khuyến khích tự đọc”. 

Cụ thể như tác phẩm Những đứa con trong gia đình, Một người Hà Nội, Thuốc, Mùa lá rụng trong vườn, Bắt sấu rừng U Minh Hạ…, một số bài thuộc diện “tự học có hướng dẫn”, một số bài không dạy hoàn toàn hoặc một phần.

Ở lớp 9 – đối tượng sẽ phải tham dự kỳ thi chuyển cấp – cũng có nhiều tác phẩm văn học phần “đọc hiểu văn bản” được chuyển sang “khuyến khích tự đọc, tự làm”. Một số bài chuyển sang phần “tự đọc”, có nghĩa sẽ không có trong đề thi. Các bài luyện tập, tổng kết đều trong diện “tự đọc, tự làm”.

Theo ông Mai Văn Trinh – Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, căn cứ vào chương trình đã giảm tải, bộ sẽ xây dựng ma trận đề thi và công bố đề thi tham khảo của kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 trong những ngày tới.

 

 

 

 

BÌNH LUẬN

Nhập bình luận, phản hồi của bạn!
Hãy nhập tên của bạn tại đây!