NHÂN DÂN LÀ CỘI NGUỒN CỦA QUỐC GIA
————————————————
Việt Nam trong tim tôi
Trong lịch sử ngàn năm từ ngày dựng nền độc lập, nhân dân ta đã phải tiến hành biết bao nhiêu là cuộc chiến tranh giữ nước, trong đó có hai cuộc chiến tranh giải phóng trường kỳ gian khổ hy sinh lớn nhất là cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh đầu thế kỷ XV và cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương tây kéo dài từ giữa thế kỷ XIX đến gần cuối thế kỷ XX.
Làm chiến tranh giải phóng nghĩa là phát động nhân dân đứng dậy trong cảnh nước đã mất, giặc đã vào nhà, Tổ quốc thành sân sau của giặc. Nhân dân nếu không muốn chết chóc hoặc mang thân tù tội thì phải chấp nhận tiếp tay cho giặc dưới nhiều hình thức. Trong lúc kháng chiến đang rất gay go, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tôi rất đau lòng thương xót đồng bào lâm vào hoàn cảnh ấy, vì lũ thực dân hung ác, nhưng một phần cũng vì tôi, người phụ trách số phận đồng bào, chưa lập tức xua đuổi được loài thú dữ và cứu vớt ngay đồng bào ra khỏi địa ngục thực dân”.
Nhưng với “chủ nghĩa thực dân mới”, ông chủ ngoại bang cho người bản xứ lâp nên một chính quyền bù nhìn để thực thi ý đồ của họ, dễ làm lẫn lộn chính tà. Công cuộc giải phóng dù là “thuận thiên hành đạo”mà khi thắng lợi thì việc thu phục lòng người không dễ dàng êm thấm và những hệ lụy của nó còn sâu xa, dai dẳng.
Giặc kiếm cớ vào nhà bao giờ cũng trương lên cái chiêu bài theo lời “cầu viện” hoặc “khai hóa”, rồi là bảo vệ “nhân quyền” để hợp thức hóa hành động xâm lăng, cùng với nền kinh tế mạnh, nền văn hóa lớn, tổ chức xã hội chặt chẽ và cuộc sống văn minh. Cuộc chiến càng kéo dài, càng dễ làm mờ nhòa đi cái ranh giới giữa kẻ xâm lược và người bị xâm lược, sẽ làm một bộ phận không nhỏ dân chúng khó nhận ra thân phận “chủ hờ” mà thực ra là “vong quốc”. “Bọn xâm lăng không nhằm cá nhân tôi mà xúc phạm. Chúng đã xúc phạm tới cả một dân tộc! Tôi thấy tôi không thể tách rời khỏi dân tộc mà có được sự kính nể của ngoại bang” – lời nói của Nhà văn Thiếu Sơn, tiêu biểu cho những nhân sỹ lớn, trong giờ phút thăng trầm của lịch sử, trước sứ mệnh cao cả của tổ quốc, đã vượt qua mọi thử thách cam go, đồng hành cùng dân tộc đi tới mục hòa bình, độc lập, thống nhất giang sơn. Thật đáng trân trọng biết bao.
Thời xưa, giặc chịu về nước rồi thì nhà ai nấy biết, dù hậm hực cũng phải chờ cơ hội. Thời đại “không gian phẳng” thì không một xó xỉnh nào trên thế giới này có thể che đậy được. Các phương tiện thông tin hiện đại không chỉ làm một việc truyền thông, mà còn là thứ vũ khí tinh thần, như một đạo quân cực kỳ nguy hiểm. Người ta dễ lúng túng hoang mang trước biến thiên thời cuộc, khó định ra phương hướng.
Quá trình “hòa giải hòa hơp” ngoài sự chân thành, cần yếu tố thời gian. Thời gian có ủng hộ ta hay không là từ nội lực của mình. Nội lực quốc gia lúc này tùy thuộc vào hệ thống lãnh đạo các cấp, trước hết là cấp lãnh đạo thượng tầng. NĂNG LỰC – BẢN LĨNH – LIÊM CHÍNH – TÂM HUYẾT là những phẩm chất phải có ở những người nắm vận mệnh quốc gia, những người nắm vận mệnh quốc gia này sẽ chèo lái con thuyền đưa được đất nước phát triển hay không ? hay là kéo đất nước tụt hậu đi xuống thì tất cả là đều nhờ họ. Dân chúng là cội nguồn của quốc gia, còn người lãnh đạo sẽ nâng đỡ cái cội nguồn đó. Thuận được lòng dân, đối đãi họ một cách hợp lí thì lo gì đất nước không hưng thịnh, trường tồn.