NHẬT KÝ MÙA CHIẾN DỊCH CĂN CƯỚC CÔNG DÂN

(Tổ cấp căn cướclưu động Công an huyện Thiệu Hóa)

    Thiệu Hóa những ngày đầu tháng Năm. Nắng đã về trên khắp nẻo đường, ngõ xóm, tiếng ve kêu râm ran báo hiệu mùa hè đã về. Những cánh phượng nở đỏ rực cả một góc trời, các cô cậu học trò tập trungvào ôn thi vượt cấp, có ánh mắt buồn thầm lặng mùa chia xa. Đâu đó, có quán nhỏ vang lên những lời hát: “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng, em chở mùa hè của tôi đi đâu, chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám, thủa chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu…”.

    Ở một góc nhỏ của thị trấn Thiệu Hóa (Vạn Hà cũ), dưới cái nắng tháng Năm oi ả, các bạn sẽ rất dễ bắt gặp một hình ảnh đẹp khác – những người chiến sỹ Công an nhân dân mồ hôi thấm áo, đang tổ chức cấp Căn cước công dân lưu động cho bà con, nhân dân trong huyện.

    Là một cán bộ có bốn năm kinh nghiệm ở cấp Bộ và cấp Tỉnh, lần đầu tiên tôi được điều động trở về với tuyến đầu cơ sở và được tham gia một nhiệm vụ vô cùng đặc biệt,chưa từng có tiền lệ – chúng tôi gọi đó là “Chiến dịch Căn cước công dân”. Đồng đội cũ hỏi tôi, cơ sở có gì?Trong cảm xúc hân hoan đầy tự hào, tôi trả lời: “Cơ sở có nhiệt huyết của tuổi trẻ, cơ sở có tình yêu người lính, cơ sở có niềm tin của nhân dân và cơ sở có những giọt mồ hôi rơi”.

    Để thực hiện thành công Chiến dịch căn cước công dân, ngay từ những ngày đầu chiến dịch, đồng chí Trưởng Công an huyện Thiệu Hóa, Thượng tá Lê Viết Thuận đã chỉ đạo thành lập ba tổ cấp căn cước lưu động và một tổ tuyên truyền chia thànhbốn mũi, với tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, gặp từng người dân” để tuyên truyền, vận động bà con nhân dân hiểu, ủng hộ lực lượng Công an hoàn thành nhiệm vụ. Có tham gia trực tiếp chiến dịch, tôi mới thấu hiểu thật sự vai trò, lợi ích lớn lao khi hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đi vào hoạt động và tính hiệu quả, tiện ích của thẻ Căn cước công dân. Với niềm tin tưởng rằng, 02 dự án (dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân) sẽ làm cuộc sống của nhân dân đổi thay, tinh gọn thủ tục hành chính, bãi bỏ sổ hộ khẩu, phục vụ thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, tiết kiệm cho ngân sách mỗi năm khoảng hơn 5000 tỷ đồng; gần 50 chiến sỹ từ nhiều lực lượng khác nhau của Công an huyện Thiệu Hóa, có người lính mặc màu áo xanh mạ non, có người lính mặc màu vàng của nắng, có cả người lính mặc màu nâu cỏ úa, tất cả giờ đã hòa chung làm một, đi chung một con đường đến đích cuối cùng là hạnh phúc của nhân dân.

    Ngày đầu chưa quen, đường cày đâu thẳng ngay, tổ căn cước lưu động của chúng tôi gặp phải vô vàn khó khăn. Tôi còn nhớnhững ngày tháng ấy, chúng tôi trở về mảnh đất Thiệu Phú, Thiệu Giang, Thiệu Quang… anh em cán bộ chiến sỹ còn chưa quen với cách tháo lắp, đồng bộ hệ thống máy móc, đôi lúc lắp đặt xong lại chưa hoạt động được; kỹ năng lăn tay của cán bộ chiến sỹ được trưng tập từ các lực lượng khác chưa từng làm công tác QLHC còn hạn chế, vừa học vừa làm để bà con phải chờ đợi lâu. Mỗi ngày chúng tôi tổ chức cấp CCCD cho hơn 2000 người dân, cách tổ chức, sắp xếp ổn định trật tự, cách hẹn giờ, tuyên truyền cho bà con còn thiếu kinh nghiệm; tiếng ồn và áp lực công việc đã vắt kiệt sức lực của cán bộ chiến sỹ, những ánh mắt mệt mỏi hiện lên trên gương mặt những chàng trai, cô gái thiếu úy, trung úy tuổi đời còn chưa đầy 25.

(Hình ảnh người dân chờ làm CCCD)

          Thấy được điều đó, nhiều đêm đồng chí Trưởng Công an huyện đã trăn trở, quên ngủ, xuống trực tiếp kiểm tra, động viên, nghiên cứu cách làm cùng cán bộ chiến sỹ tổ công tác; đồng chí Thượng tá Lê Ngọc Thuấn, Phó Trưởng Công an huyện đã đăng ký làm tất cả ca đêm cùng tổ công tác, trực tiếp thực hiện những phần việc khó nhất, động viên, chia sẻ với cán bộ chiến sỹ; đồng thời nắm chắcthực trạng, thể nghiệm các phương pháp, cách làm mới để tìm ra được giải pháp hiệu quả nhất giúp tổ căn cước công dân lưu động giữ được sức khỏe, hoàn thành nhiệm vụ, trách nhiệm với Đảng và nhân dân và đặc biệt là để người dân đến làm CCCD được nhanh chóng, giảm bớt thời gian chờ đợi.

    Bầu trời về đêm mùa hè thật đẹp, chúng tôi mười haichiến sỹ tổ CCCD lưu động số 3 đang đảm nhiệm ca làm từ 21 giờ đêm đến 06 giờ sáng ngày mai. Với trách nhiệm người lính, ngôi sao trên vai và trái tim trong ngực, những chiến sỹ trẻ đã hai tháng xa nhà, gác lại những nỗi niềm xa quê, làm tăng ca đêm, hẹn dân, xếp hàng, thu sổ, phát số, ghi nhận thông tin, chụp ảnh, lăn tay, phát phiếu, giải trình dân thắc mắc, mất ngủ, mệt nhoài, mồ hôi đẫm áo… chúng tôi cứ miệt mài như vậy đấy. Quá trình thu nhận thông tin, người dân thường hỏi: “Các chú làm thâu đêm như thế này chắc mệt lắm, việc nhà ai toan lo…” Có lẽ, chính người dân cũng không cảm nhận được hết những giá trị trong lời hỏi thăm của họ mang lại cho chúng tôi, với chúng tôi đó không chỉ là câu hỏi, còn là lời động viên tinh thần, cũng là lời ghi nhận cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của tập thể cán bộ chiến sỹ tổ căn cước, cũng là lời nhắc để chúng tôi hiểu rằng đằng sau công việc là gia đình, là người mẹ mong ngóng con về, là người vợ đang ru con ngủluôn ủng hộ để chúng tôi hoàn thành mệnh lệnh, nhiệm vụ, trách nhiệm với dân, lời thề người lính.

(Tổ cấp căn cước lưu động làm việc 24/24h để cấp căn cước cho người dân)

          Có lẽ trong những ngày tháng chiến dịch này, không khó để người dân đến làm căn cước nhận ra một bóng hồng duy nhất đang miệt mài với nhiệm vụ thu nhận vân tay – đó là Thượng úy Trần Thị Thanh Vân, người đồng chí mà chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ, là cán bộ nữ duy nhất đăng ký tham gia chiến dịch khi còn đang nuôi con nhỏ. Trong quy trình cấp thẻ CCCD, thu nhận vân tay là khâu khó nhất, mất nhiều thời gian nhất, cũng là khâu thường gây tắc nghẽn, làm chậm quy trình thu nhận hồ sơ, làm công dân phải chờ đợi. Chính vì vậy, việc lựa chọn cán bộ thu nhận vân tay được đồng chí Trưởng Công an huyện quan tâm, chú trọng ngay từ những ngày đầu. Ngoài các đồng chí đã và đang công tác tại Đội Quản lý hành chính,các đồng chí được đào tạo chuyên ngànhQLHC và các cán bộ “ngoại đạo” nghĩa là chưa bao giờ được học hay thực hành thu nhận vân tay cũng được trưng tập, thử nghiệm, đào tạo, trong đó có một chiến sỹ trẻ nổi bật nhất, không ai khác đó chính là Thượng úy Trần Thị Thanh Vân. Thượng úy Vân là cán bộ được đào tạo chuyên ngành Cảnh sát Điều tra Chất lượng cao – Khóa D35 Học viện Cảnh sát Nhân dân. Là cán bộ “ngoại đạo” nhưng có lẽ, cái tố chất tư duy của chiến sỹ cảnh sát điều tra đã giúp Thượng úy Vân trở thành cán bộ có tốc độ lăn tay nhanh nhất đơn vị. Theo kết quả ghi nhận, Thanh Vân đã từng có 01 ca làm việc 8 tiếng thu được 320 hồ sơ vân tay, nghĩa là trung bình đạt 40 hồ sơ/giờ. Chính vì thế, dù không thuộc đối tượng tăng cường tổ công tác lưu động do đang nuôi con nhỏnhưng đồng chí Vân vẫn tự nguyện xung phong tham gia, góp phần không nhỏ vào thành công của tổ công tác.

     Đang miệt mài làm việc, những tiếng gà gáy đã báo hiệu một ngày mới trở về trên quê hương Thiệu Hóa thân yêu, lúc này chúng tôi dường như đã mệt mỏi, kiệt sức, vội vàng thay nhau ăn sáng lấy sức và tiếp nhận những hồ sơ cuối cùng trước khi bàn giao ca cho tổ công tác khác. Dù vất vả thâu đêm, nhưng chúng tôi rất vui và tự hào vìđược là một phần của Chiến dịch,tiếp tục viết tiếp những trang sử hào hùng của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam nói chung, lực lượng Công an Thanh Hóa anh hùng nói riêng, khắc ghi lời dậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Công an của ta là Công an nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ và dựa vào dân mà làm việc”.

          Còn niềm vui nào hơn thế đối với một người chiến sỹ Công an nhân dân?

Nguồn: Xuân Trung – “Nhật ký mùa chiến dịch CCCD của Tổ cấp căn cước lưu động Công an huyện Thiệu Hóa”

 

 

         

BÌNH LUẬN

Nhập bình luận, phản hồi của bạn!
Hãy nhập tên của bạn tại đây!