Myanmar trong lịch sử phong kiến từng là một “đế quốc” tranh giành ảnh hưởng với Xiêm, từng xâm lược Xiêm và cũng chưa bao giờ “ngán” các triều đại phong kiến Trung Hoa. Myanmar những năm 60 của thế kỷ XX cũng từng là “cường quốc” trong khu vực với sự phát triển đáng nể về kinh tế. Myanmar lại là một quốc gia có vị trí chiến lược khá quan trọng khi là cầu nối giữa Nam Á, Đông Nam Á và Trung Quốc. Với tài nguyên phong phú, đất đai rộng lớn nhưng suốt 30 năm cuối thế kỷ XX và cho đến 20 năm đầu thế kỷ XXI, Myanmar lại như một “vùng đất lãng quên”, trở nên nghèo đói, lạc hậu, bất ổn vì đảo chính, lại đảo chính và tiếp tục đảo chính. Cho đến hiện tại vẫn vậy, dù chính quyền dân sự được phương Tây hậu thuẫn đã lên nắm quyền nhưng nó cũng không đủ khả năng để ngăn một cuộc đảo chính mới diễn ra.
Cách đây mấy năm, một cán bộ ngoại giao Việt Nam từng phân tích, quả bong bóng Myanmar rồi sẽ đến lúc phát nổ, đảo chính sẽ xảy ra và quân đội lại nắm quyền. Bởi khi các nhà lãnh đạo dân sự họ chưa nắm quyền và đang đi kêu gọi sự ủng hộ, mọi viễn cảnh họ vẽ ra theo các giá trị nhân quyền, dân chủ đều rất đẹp và thu hút người dân. Tuy nhiên, khi họ đã thực sự nắm quyền điều hành đất nước, với trình độ dân trí chưa cao, với nguồn lực quốc gia không đủ khả năng đáp ứng cho yêu cầu phát triển kinh tế và thoát khỏi các cuộc khủng hoảng, với khả năng điều hành và dẫn dắt chính quyền “không ở trong điều kiện lý tưởng” như họ đã từng phân tích khi vạch ra kế hoạch, hoạch định trong các bài diễn thuyết tranh cử trước đó… thì việc để họ biến những lời cam kết thành sự thực là điều không thể. Điều đó sẽ dẫn đến sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ quốc gia, những bất đồng hình thành, cháy âm ỉ và đạt đến một “độ chín” nhất định sẽ dẫn đến đảo chính, lật đổ. Và sự thực những điều đó đã xảy ra ở Myanmar.
Myanmar đã có một thời gian rất dài diễn ra các cuộc đảo chính và quân đội nắm quyền. Nền “dân chủ” – theo cách gọi phương Tây chỉ được thiết lập cách đây không lâu, tuy nhiên các lãnh đạo dân sự lại không thể kiểm soát toàn bộ quyền lực mà phải san sẻ nó cho quân đội, bất cứ khi nào chính quyền dân sự cũng có thể bị lật đổ, bất cứ khi nào đất nước cũng có thể rơi vào tình trạng hỗn loạn. Và sự thực, điều đó đã xảy ra.
Một cuộc đảo chính diễn ra kéo theo rất nhiều sự sụp đổ. Sụp đổ nền dân chủ – theo cách gọi của phương Tây, cả thế giới bày tỏ quan ngại sâu sắc nhưng chẳng có nước nào thực sự hành động – kể cả những quốc gia trước đó vẫn ra rả về tự do, dân chủ. Và khi đó, điều bất hạnh nhất xảy ra khi những kẻ ngu bắt đầu “yêu nước”, sự yêu nước đó phá nát quá trình vất vả tích lũy, xây dựng rất nhiều năm của Myanmar.
Đám đông kéo quân đi đập phá khắp nơi, đốt mọi thứ có thể và phá hoại mọi nơi có thể.
Mạng viễn thông Mytel của Việt Nam bị tẩy chay, các nhân viên bị tấn công, cửa hàng Mytel bị đập phá, các hệ thống trạm tín hiệu, đường dây bị đốt. Lý do của những người này đưa ra là vì Mytel được đứng sau bởi Viettel và nó có liên quan đến quân đội, được quân đội hậu thuẫn.
Các công ty của nhiều quốc gia bị đập phá, đốt cháy. Đầu tiên là những công ty Trung Quốc, việc tấn công những công ty này lý do vì chính quyền Trung Quốc thân với chính quyền quân sự, sự việc nghiêm trọng tới mức Đài Loan ngay lập tức khuyến cáo doanh nghiệp của mình treo cờ Đài Loan.
Công ty của Nhật Bản cũng bị đốt phá, đám đông phá hoại giải thích hành động này để nhằm… thu hút sự chú ý từ Nhật Bản cũng như cộng đồng quốc tế.
Hàn Quốc bị lên án do công ty Hàn Quốc cung cấp thép cho phía quân đội Myanmar xây… bệnh viện. Thái Lan bị lên án vì đã cung cấp đâu đó khoảng 700 bao gạo cho Myanmar. Quân đội Thái Lan sau đó đã bác bỏ thông tin cung cấp gạo cho một số đơn vị thuộc lực lượng vũ trang Myanmar, đồng thời cho biết bất cứ việc buôn bán lương thực nào giữa hai nước đều là hoạt động thương mại bình thường.
Và thậm chí, ngay cả Việt Nam cũng bị cộng đồng mạng Myanmar và nhiều nước ASEAN lên án vì đã… không làm gì cả.
Sau tất cả, những hành động “yêu nước” trên càng khiến cho chính trị Myanmar đi sâu vào hố sâu bất ổn, chia rẽ, kinh tế bị tàn phá dù rất vất vả để vực dậy, môi trường đầu tư bị hủy hoại, các doanh nghiệp nước ngoài bỏ chạy… Myanmar sẽ lại bước vào một quá trình “làm lại từ đầu” và lần làm lại sau luôn khó khăn hơn nhiều lần làm lại trước.
Nỗi buồn nối tiếp nỗi buồn và chưa biết đến khi nào Myanmar mới quay trở về thời hoàng kim của quá khứ!

BÌNH LUẬN

Nhập bình luận, phản hồi của bạn!
Hãy nhập tên của bạn tại đây!